Giáo dục phòng chống thiên tai

Học tập để bảo vệ đa dạng sinh học

Học tập để giải quyết biến đổi khí hậu

Dạy và học vì một tương lai bền vững

Chào mừng bạn đến với chương trình “Dạy và học vì một tương lai bền vững”

Giáo dục vì một tương lai bền vững là một thách thức to lớn. Làm thế nào để chúng ta có thể hiểu rõ hơn sự phức tạp của thế giới xung quanh chúng ta? Những vấn đề của thế giới có quan hệ với nhau thế nào, và do đó bao hàm những giải pháp gì? Chúng ta muốn tương lai thế nào cho thế giới, khi mà các tài nguyên hỗ trợ cuộc sống của Trái Đất lại có hạn? Làm thế nào chúng ta có thể hòa hợp những đòi hỏi của kinh tế, xã hội và môi trường?

Tất nhiên, những câu hỏi trên không hề mới, và trong vai trò là một cơ quan chuyên môn về giáo dục trực thuộc Liên Hiệp Quốc, UNESCO đã và đang giải quyết những vấn đề này nhiều năm qua. Tuy nhiên, khi đảm đương trách nhiệm thực hiện Chương 36 của Chương trình nghị sự 21, UNESCO đã có thêm tiếp sức mới để giải quyết câu hỏi này. Tầm nhìn mới của Giáo dục vì sự phát triển bền vững đặt giáo dục vào trung tâm của quá trình tìm tòi giải pháp cho các vấn đề đe dọa tương lai của chúng ta. Giáo dục, ở mọi hình thức và mọi cấp, được nhìn nhận không chỉ là mục đích cuối cùng mà còn là một trong những phương tiện hiệu quả nhất mang lại những thay đổi cần thiết cho phát triển bền vững. Và dĩ nhiên, giáo viên là đối tượng chủ chốt trong quá trình này và do đó cần có sự quan tâm đặc biệt cho giáo viên.

Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên là một ưu tiên của UNESCO, và thực sự là của cả cộng đồng quốc tế. Trong chương trình làm việc đặc biệt về giáo dục, Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Phát triển bền vững đã mời UNESCO tiến hành những nỗ lực quan trọng giúp giáo viên trên toàn thế giới không chỉ hiểu các khái niệm và vấn đề về phát triển bền vững (PTBV) mà còn học cách sử dụng những nội dung liên ngành, hướng tới các giá trị ngay trong chương trình giảng dạy.

Chương trình “Dạy và học vì một tương lai bền vững” là câu trả lời của UNESCO trước những thách thức của PTBV và cũng là đóng góp chính cho Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về Phát triển bền vững (Johannesburg, tháng 9 năm 2002). Bằng cách thiết kế chương trình qua website và CDROM, UNESCO hi vọng chương trình có thể tiếp cận rộng rãi nhiều giáo viên trên toàn thế giới. Chương trình có thể được sử dụng nguyên bản hoặc thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của từng địa phương, quốc gia và khu vực. Chắc chắn sẽ có rất nhiều bản dịch và tài liệu phát triển dựa trên chương trình này.

Tôi chân thành cảm ơn tất cả những cá nhân và cơ quan đã hợp tác với UNESCO để tạo ra chương trình này. Và xin dành lời cảm ơn đặc biệt tới Tiến sĩ John Fien của Đại học Griffith (Australia). Cùng với các đồng nghiệp của mình, ông đã có những đóng góp chuyên môn và kinh nghiệm rất giá trị về các phương pháp tiếp cận và chủ đề phát triển bền vững, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên và sử dụng tối ưu công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho mục đích giảng dạy và học tập.

Tôi xin được giới thiệu chương trình này tới các bạn như một ví dụ tiêu biểu về phương thức tiếp cận liên ngành giúp phát triển sự hiểu biết và nhận thức mới mẻ như thế nào.

Koïchiro Matsuura

Tổng giám đốc UNESCO

 

Khuyến cáo: UNESCO đã cố gắng hết sức để xin được bản quyên của các tài liệu sử dụng trong chương trình. Nếu quý vị là người có bản quyền của tài liệu nào được sử dụng nhưng chưa được liên lạc, xin vui lòng liên hệ và chúng tôi sẽ chú thích lại cho phù hợp.