Trung tâm Đào tạo Trực tuyến - Trường Đại học Mở Hà Nội > Tin tức - Bài viết > Tin tức > Vai trò của đào tạo từ xa trong phát triển nguồn nhân lực

Vai trò của đào tạo từ xa trong phát triển nguồn nhân lực

Đăng bởi EHOU ngày 23/09/2015

GD&TĐ – Đây là chủ đề của Hội nghị khoa học quốc tế diễn ra ngày 9/9, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa). Bộ GD&ĐT đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị của Viện Đại học Mở Hà Nội. Đây là cơ hội tuyệt vời để các nhà khoa học, các nhà quản lý trao đổi kinh nghiệm và học thuật, tìm ra những giải pháp để phát triển đào tạo nguồn nhân lực cho mỗi quốc gia và mỗi cơ sở đào tạo.

 

Các chuyên gia hàng đầu hội tụ

 

Hội nghị do Viện Đại học Mở Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Mở Sukhothai (Thái Lan) và tổ chức SEMOLEC (Trung tâm Đào tạo Mở và Từ xa thuộc Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á) tổ chức.

Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Khánh Hòa cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đến từ các trường đại học có đào tạo mở – từ xa của Philippines, Thailan, Malaysia…; đại diện một số trường đại học, đơn vị đào tạo giáo dục từ xa của Việt Nam.

Hội nghị quy tụ khoảng 200 đại biểu quốc tế và trong nước bao gồm các chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục mở và từ xa, cùng với 40 tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học trao đổi về các vấn đề xoay quanh chủ đề “Vai trò của đào tạo từ xa trong phát triển nguồn nhân lực”.   

1_2_VEMX

Các vị quan khách, đại diện đơn vị đào tạo mở từ xa quốc tế và Việt Nam

 

Giải pháp tối ưu để học tập suốt đời

 

Phát biểu đề dẫn của NGƯT.TS Lê Văn Thanh – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội – cho biết: Một quốc gia muốn phát triển cần phải có các nguồn lực bảo đảm cho sự phát triển kinh tế như: Tài nguyên thiên nhiên, vốn, khoa học – công nghệ, nguồn lực con người …

Trong các nguồn lực đó thì nguồn lực con người luôn đóng vai trò quan trọng nhất, có tính chất quyết định trong sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của mọi quốc gia từ trước đến nay. Bất kì quốc gia nào, cho dù có tài nguyên thiên nhiên phong phú, máy móc kỹ thuật tối tân, hiện đại đến đâu nhưng không có những người có trình độ, có đủ khả năng khai thác, sử dụng các nguồn lực đó thì khó có khả năng đạt được sự phát triển như mong muốn.

Đối với các nước ASEAN, nguồn lực con người càng có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì so với các nước phát triển, chất lượng nguồn nhân lực của các nước ASEAN đang ở mức độ rất thấp. Nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng một cộng đồng ASEAN vững mạnh, mỗi quốc gia trong cộng đồng ASEAN đang nỗ lực cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngoài việc nỗ lực cải cách nền giáo dục, việc ứng dụng công nghệ trong đào tạo nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng. Bởi chỉ có ứng dụng công nghệ thì trong một thời gian ngắn, mới có thể đào tạo được cho số đông người lao động, qua đó dần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong bối cảnh đó, đào tạo từ xa đang đóng vai trò to lớn trong đào tạo nguồn nhân lực cho các nước ASEAN.

Việt Nam đang nỗ lực xây dựng cả nước thành một xã hội học tập. Điều này đã được hiện thực hóa trong các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Thực hiện nhiệm vụ này, giáo dục từ xa được coi là giải pháp quan trọng, trong đó có nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. 

Các nhà trường – trong đó có Viện Đại học Mở Hà Nội – đang tiến hành các giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực như: Ứng dụng các chương trình đào tạo tiên tiến, tăng cường sự gắn kết giữa giáo dục đào tạo với thực tiễn xã hội, bồi dưỡng cán bộ quản lý của các trường ĐH, CĐ; xây dựng chương trình mang tính hướng nghiệp, xây dựng tài nguyên đào tạo điện tử. Đặc biệt trong đó, giáo dục mở và từ xa luôn được coi là giải pháp tối ưu để học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập.

 

Cơ hội trao đổi nhiều kinh nghiệm quý

 

Đại diện Bộ GD&ĐT, TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên – cho rằng: Trong một nền kinh tế hội nhập, nguồn nhân lực có chất lượng cao cho sự phát triển bền vững là đòi hỏi cấp thiết, thường xuyên và liên tục. 

Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất và quản lý đòi hỏi người lao động không ngừng cập nhật kiến thức. Vì vậy, giáo dục mở và từ xa đóng vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân.

Các tham luận tại Hội nghị sẽ là những bài học thực tế để tiếp tục khẳng định ưu thế: Người tham gia đào tạo từ xa có thể học ở mọi lúc, mọi nơi, mọi trình độ.

Sau phiên chính thức, các đại biểu chia ra thảo luận nhóm, tập trung vào 3 chủ đề: Những thách thức đối với đào tạo từ xa; Giáo dục từ xa trong đào tạo nghề; Kiểm tra, đánh giá và sự hỗ trợ của công nghệ. Các nhà khoa học là những chuyên gia hàng đầu về đào tạo từ xa cùng trao đổi những kinh nghiệm hay, bài học thực tế của từng quốc gia để cùng nhau tìm ra các giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa loại hình đào tạo này.

Đồng thời, các nhà khoa học cũng kiến nghị giải pháp giúp người dân và xã hội nhận thức rõ hơn vai trò của đào tạo từ xa trong phát triển nguồn nhân lực của từng quốc gia nói riêng và cộng đồng các nước ASEAN nói chung về vai trò, đóng góp quan trọng của giáo dục mở và từ xa cho công cuộc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia Đông Nam Á.

Theo Dĩ Hạ – GD&TĐ

 


Dịch ngôn ngữ (Translate) »