Trung tâm Đào tạo Trực tuyến - Trường Đại học Mở Hà Nội > Tin tức - Bài viết > MA TÚY CÁM DỖ KHÓ LƯỜNG ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN

MA TÚY CÁM DỖ KHÓ LƯỜNG ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN

Đăng bởi EHOU ngày 15/06/2023

Theo Tổ chức Liên Hợp Quốc: Ma túy là “Các chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái tâm sinh lý của người sử dụng”. Ở Việt Nam ma túy được xem là mối nguy hiểm cho xã hội, nó gây ra hệ lụy xấu cho xã hội, cho những người tiếp xúc với chúng.

 

Mỗi hiểm họa với học sinh, sinh viên

Theo khảo sát của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, hiện nay, khoảng 95% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, trong số này lại có tới 70% – 75% là giới trẻ, học sinh – sinh viên (từ 17 – 35 tuổi). Từ số liệu cho chúng ta thấy mức độ báo động cho mối hiểm họa này với lứa tuổi rất nhạy cảm với môi trường xung quanh. Chúng ta có thể xét tới nhiều nguyên nhân làm cho các em học sinh, sinh viên tiếp cận với mối nguy hiểm này:

Xuất phát từ nhận thức, tâm sinh lý lứa tuổi, các em đang trong giai đoạn hình thành, hoàn thiện bản thân nên chịu tác động lớn từ môi trường bên ngoài. Là giai đoạn phát triển bắt đầu từ lúc dậy thì và kết thúc khi bước vào tuổi người lớn. Tuổi thanh niên được tính từ 15 đến 25 tuổi, được chia làm 2 thời kì:

+ Thời kì từ 15-18 tuổi: gọi là tuổi đầu thanh niên

+ Thời kì từ 18-25 tuổi: giai đoạn hai của tuổi thanh niên (thanh niên sinh viên)

Tuổi thanh niên cũng thể hiện tính chất phức tạp và nhiều mặt của hiện tượng, nó được giới hạn ở hai mặt: sinh lí và tâm lý. Đây là vấn đề khó khăn và phức tạp vì không phải lúc nào nhịp điệu và các giai đoạn của sự phát triển tâm sinh lý cũng trùng hợp với các thời kỳ trưởng thành về mặt xã hội. Có nghĩa là sự trưởng thành về mặt thể chất, nhân cách trí tuệ, năng lực lao động sẽ không trùng hợp với thời gian phát triển của lứa tuổi. Có lẽ đây chính là nguyên nhân mà những đối tượng buôn bán, chuộc lợi từ ma túy, chất gây nghiện có cơ hội dụ dỗ, lôi kéo các em trở thành con hàng của chúng.

Nguyên nhân tiếp theo có thể xuất hiện với học sinh, sinh viên là thói quen bắt chước, đua đòi bạn bè cùng trang lứa. Đây là một hoạt động diễn ra phổ biến trong các nhà trường, bởi khi học tập, vui chơi trong cùng một môi trường các em sẽ có những hành động bắt chước nhau và khi trong một tập thể chỉ cần 1 bạn có những biểu hiện xấu trước đó có thể là nguy cơ lây lan hành động tương tự ra số đông rất lớn, nếu các thầy/cô trong nhà trường không phát hiện sớm và ngăn chặn.

Trong một số hoàn cảnh nhất định chúng ta phải tính đến cả môi trường giáo dục của gia đình cũng là một trong nguyên nhân đẩy các em đến việc tiếp cận với môi trường ma túy, chất gây nghiện. Một số phụ huynh vì yêu thương con mình đã không ngại cung cấp tài chính, đám ứng hầu hết các nhu cầu mà các em đòi hỏi, đồng thời thiếu đi sự kiểm soát về hoạt động của các con. Chính điều này làm cho các em có cơ hội tiếp xúc với ma túy và các tệ nạn xã hội một cách ngẫu nhiên. Hay trong một số trường hợp khi phát hiện con em mình có biểu hiện lạ trong tâm sinh lý mà không có sự quan tâm, tìm hiểu từ gia đình hay sự quan tâm đó trong hời hợt thiếu quyết liệt, đó cũng là một nguyên nhân lớn đẩy các em có những hướng suy nghĩ tiêu cực, sai lầm với các tệ nạn xã hội.

Ở phạm vi môi trường giáo dục, từ sự thiếu giám sát, quan sát, phát hiện biểu hiện của học sinh, sinh viên trong một số cơ sở giáo dục cũng là nguyên nhân dẫn tới các em học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận nhanh hơn với ma túy trong trường học. Đồng nghĩa với đó là nhà trường chưa có những tuyên truyền, giáo dục, các tiết học kỹ năng sống cho vấn đề này đã không cho các con tiếp cận được với những kiến thức hiểu biết căn bản về hệ quả, tác hại của chất gây nghiện.

Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân có cả chủ quan, khách quan để dẫn tới các em học sinh, sinh viên có nguy cơ tiếp cận với ma túy và các tệ nạn xã hội khác.

 

Chúng ta sẽ làm gì cho các em

 

Để ngăn chặn, đẩy lùi ma túy học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch số 455/KH-BGDĐT “Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm”. Chương trình được thực hiện trong các năm học tiếp theo.

Kế hoạch này nhằm triển khai hiệu quả các nội dung công việc được giao tại Chương trình công tác của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên.

Trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tệ nạn ma túy đã được quan tâm, triển khai đồng bộ ở các cấp học, trình độ đào tạo, đa dạng về hình thức thông tin, tuyên truyền và trở thành phong trào thường xuyên, liên tục ở hầu hết các địa phương, đơn vị.

Bám sát hơn nữa trong việc giải quyết các nguyên nhân, nguy cơ mà học sinh, sinh viên có thể tiếp cận với ma túy và các tệ nạn xã hội, như: cần sự quan tâm hơn nữa của Nhà trường, gia đình, người thân với sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi các em, giao tiếp trên cơ sở giải thích hậu quả, hệ lụy cho các em hiểu dần; đối với gia đình là “cái gốc” cần quan tâm hơn nữa trong công tác nuôi dạy giáo dục các em, kịp thời nắm bắt những biểu hiện thay đổi trong hoạt động thường ngày của các em để có biện pháp kịp thời; đối với nhà trường cần tuyên truyền sâu rộng hơn công tác phòng, chống ma túy và các tệ nạn khác trong nhà trường, tổ chức các hoạt động tuyên tuyền nâng cao nhận thức của các em.

Với sự tiếp cận trên nhiều phương diện giải pháp chắc chắn đó sẽ là biện pháp tốt nhất để chúng ta định hướng các em trở thành những học trò chăm, ngoan, học giỏi, những công dân có ích cho xã hội. Đồng thời các em chính là kênh tuyên tuyền sâu rộng cho mọi người, cho thế hệ sau hiểu và tránh xa các tệ nạn gây ảnh hưởng xấu cho bản thân và xã hội.


Dịch ngôn ngữ (Translate) »