Học E-learning như thế nào?

E-Learning là gì?

    

Học tập trực tuyến (hay còn gọi là eLearning/ online learning) là phương thức học tập có sử dụng kết nối mạng để phục vụ học tập, lấy tài liệu học, trao đổi giao tiếp giữa người học với nhau và với giảng viên.

Ưu điểm đối với người học

1. Học tập mọi lúc, mọi nơi: Việc trao đổi thông tin, truyền đạt kiến thức theo yêu cầu. Sinh viên có thể truy cập các khoá học bất kỳ nơi đâu như văn phòng làm việc, tại nhà, tại những điểm Internet công cộng, 24 giờ một ngày, 7 ngày trong tuần, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.

2. Tiết kiệm chi phí đi lại. Sinh viên chỉ bắt buộc phải đi thi tập trung tại địa điểm của nhà trường.

3. Tiết kiệm thời gian so với phương thức giảng dạy truyền thống: do rút giảm sự phân tán và thời gian đi lại.

4. Linh hoạt: Sinh viên có thể đăng ký bao nhiêu khóa học mà việc học cần, có thể tự điều chỉnh thời gian, tốc độ học theo khả năng và có thể tự tham khảo, nghiên cứu thêm thông qua các nguồn tài liệu được hướng dẫn tham khảo.

5. Được hỗ trợ: Với hệ thống công nghệ eLearning, sinh viên dễ dàng theo dõi tiến độ học tập, kết quả học tập, được hỗ trợ giải đáp thông tin kịp thời.

Học E-Learning tại Trường Đại học Mở Hà Nội như thế nào?

Phương pháp học E-Learning

 

 

Trước khi tham gia học tập trên hệ thống e-learning của Trường Đại học Mở Hà Nội, sinh viên được tư vấn, hướng dẫn phương pháp học e-learning, hướng dẫn sử dụng hệ thống e-learning và chuẩn bị các thiết bị học tập. Sinh viên đăng ký Chương trình học tập, Kế hoạch học tập và được cấp tài khoản học tập. 

Phương tiện học tập chủ yếu là máy tính kết nối mạng. Trong quá trình học tập, sinh viên được đội ngũ cán bộ của Trung tâm Đào tạo Trực tuyến quản lý, theo dõi quá trình học tập, hỗ trợ phương pháp học, các thủ tục hành chính, các vấn đề kỹ thuật.

 

(1) Học lý thuyết/ Tự nghiên cứu học liệu: Sinh viên tự học, tự nghiên cứu học liệu trên hệ thống (bài giảng điện tử, bài giảng text,…), sách/giáo trình in ấn và tài liệu tham khảo tại Thư viện số của nhà trường. Sinh viên sử dụng máy tính kết nối mạng chủ động học tập.

 

(2) Thảo luận/trao đổi giải đáp thắc mắc: Sinh viên thảo luận, trao đổi, đặt các câu hỏi  với giảng viên và thảo luận với nhau thông qua Diễn đàn môn học hoặc tại các buổi học trực  tuyến  trên mạng (lớp học VClass). Sinh viên có thể trao đổi trực tiếp với giảng viên bằng hình ảnh qua webcam, bằng tiếng nói hoặc bằng bàn phím, theo buổi định kỳ hàng tháng  trên lớp VClass. Sinh viên lưu ý: cần tích cực tham gia diễn đàn lớp môn trong suốt quá trình học tập để trao đổi, thảo luận, tiếp nhận từ giảng viên các tài liệu học tập hỗ trợ ngoài các tài liệu chính; tham gia đầy đủ các buổi chuyên đề, các buổi học Vclass để ôn tập kiến thức đã học, trao đổi thảo luận với giảng viên và cập nhật các nội dung kiến thức mới. Trong quá  trình học, sinh  viên có nhu cầu học tập trung có thể đăng ký theo nhóm/lớp thông qua CVHT để nhà trường bố trí tổ chức lớp.

 

(3) Làm bài tập, thực hành: Mỗi học phần có các bài tập, các video hướng dẫn thực hành để sinh viên luyện tập, thực hành. Các bài luyện tập chủ yếu theo hình thức trắc  nghiệm.

 

(4) Kiểm tra đánh giá, thi kết thúc học phần: Có nhiều hình thức kiểm tra đánh giá, có đánh giá quá trình, kiểm tra giữa kỳ, thi chủ yếu là tập trung và một số học phần trực tuyến.

 

Thi kết thúc học phần/môn học:

Các hình thức thi: thi tập trung tại Trạm đào tạo, nộp sản phẩm bài tập nhóm, bài tập lớn hoặc thi trực tuyến (tùy theo học phần). Thời gian thi kết thúc học phần/môn học (dự kiến) được thông báo cho sinh viên trên kế hoạch học tập của học phần/môn học. Trước ngày thi 01 tuần, sinh viên được thông báo lịch thi cụ thể cho từng học phần/môn học và danh sách dự thi. Sinh viên có thể ôn tập về môn học với các câu hỏi, tài liệu ôn tập trên hệ thống và tham gia ôn tập tại buổi Vclass. Lưu ý: Đề thi không sử dụng bộ câu hỏi ôn tập, nội dung câu hỏi thi trong phạm vi kiến thức đã học mà học liệu và giảng viên đã cung cấp.

 

Điều kiện dự thi kết thúc môn học:

– Sinh viên đủ điều kiện học tập (hồ sơ, quyết định trúng tuyển, quyết định công nhận sinh viên)

– Sinh viên hoàn thành nhiệm vụ học tập theo yêu cầu trên Kế hoạch học tập học học phần/môn học;

– Nộp đầy đủ học phí theo thời gian quy định.

 

Cách đánh giá kết quả học tập:

Kết quả học tập của sinh viên (điểm tổng kết học phần) được đánh giá qua các điểm thành phần gồm: điểm quá trình, điểm kiểm tra và điểm thi kết thúc học phần. Điểm thi kết thúc học phần được tính tùy theo yêu cầu của mỗi môn học (thông tin trên Kế hoạch học tập lớp môn).

 

Tốt nghiệp

Điều kiện xét tốt nghiệp:

  • Sinh viên đã được xét tuyển vào hệ đại học từ xa của Trường Đại học Mở Hà Nội và đủ thời gian đào tạo tối thiểu theo qui định;
  • Hoàn thành chương trình học tập đại học theo quy định;
  • Chấp hành đầy đủ các qui định của Trường Đại học Mở Hà Nội về việc nộp học phí, lệ phí.
  • Hội đồng xét tốt nghiệp của nhà trường sẽ ra quyết định công nhận tốt nghiệp cho sinh viên đủ điều kiện. Danh sách sinh viên tốt nghiệp được đăng tải trên website của Trung tâm Đào tạo Trực tuyến hoặc thông báo qua Cố vấn học tập.

Các hỗ trợ và dịch vụ dành cho sinh viên

Cố vấn học tập:

Cố vấn học tập có nhiệm vụ:

a. Tư vấn và hướng dẫn sinh viên trong quá trình học tập:

  • Phổ biến các quy định, quy chế về đào tạo, các quy định của nhà trường liên quan đến quyền và nghĩa vụ của sinh viên;
  • Tư vấn, hướng dẫn sinh viên về phương pháp học tập trực tuyến;
  • Hướng dẫn sinh viên tìm hiểu chương trình đào tạo toàn khóa và đăng ký kế hoạch học tập;
  • Trả lời các câu hỏi của sinh viên liên quan đến việc học tập của sinh viên trong phạm vi thẩm quyền; (không chỉ dẫn, giải đáp các câu hỏi liên quan đến nội dung kiến thức của môn học hoặc can thiệp vào nội dung chuyên môn của giảng viên).

b.   Quản lý quá trình học tập của sinh viên:

  • Quản lý quá trình học tập của sinh viên trong từng kỳ học, nhắc nhở sinh viên thực hiện nhiệm vụ học tập;
  • Quản lý kết quả học tập của sinh viên.
  • Giải quyết các thủ tục hành chính cho sinh viên.
  • Cử Ban cán sự lớp, chia nhóm, cuối mỗi kỳ học tổ chức sinh hoạt lớp, họp cán bộ lớp; hỗ trợ cho sinh viên tham gia các hoạt động của Trung tâm và nhà trường.
  • Đề xuất hình thức khen thưởng, kỷ luật sinh viên với Trung tâm, Nhà trường.

Học liệu và môi trường học tập trực tuyến:

Học liệu được biên soạn dành cho người tự học với nội dung được trình bày cô đọng, xúc tích, dễ tiếp thu; học liệu được trình bày dưới nhiều dạng (Richmedia, Mp3, text) để thuận tiện cho người học, người học có thể xem trực tiếp trên mạng hoặc tải miễn phí về máy tính cá nhân để học. Các bài giảng trực tuyến đều được ghi lại để sinh viên không tham gia buổi học trực tuyến cũng có thể vào xem. Học liệu cho đào tạo e-learning bao gồm hệ thống học liệu điện tử theo chuẩn qui định của Trường Đại học Mở Hà Nội được cung cấp miễn phí cho sinh viên, về cơ bản gồm:

– Bài giảng đa phương tiện (Rich Media)

– Kế hoạch học tập, tài liệu hướng dẫn học tập môn học

Co Mai Lan KHHT

– Giáo trình điện tử (ebook), tài liệu text

– Bài giảng phiên bản audio

audioebook

– Bài giảng video

vclass ghi lai
– Bài giảng ghi lại trên lớp học trực tuyến (Virtual classroom) thay minh

– Ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến

– Bài tập tình huống, chủ đề thảo luận

Giáo trình in ấn (sinh viên đăng ký mua) Danh muc giao trinh

Học liệu cho môn học được xây dựng căn cứ vào đề cương chi tiết môn học trong chương trình đào tạo, dựa trên giáo trình của Viện, được nghiệm thu về nội dung và kỹ thuật theo qui định của Trường.

Môi trường học tập trực tuyến gồm có thành phần sau:

– Lớp học trực tuyến đăng tải các nội dung học tập (học liệu), nhiệm vụ học tập
– Diễn đàn trên mạng để trao đổi, thảo luận với giảng viên và các bạn trong lớp
vclass1

– Lớp học trực tuyến đồng bộ VClass theo lịch học

– Các hình thức hỗ trợ kỹ thuật: hệ thống H113, điện thoại, thư điện tử (email), tin nhắn

– Trang web thông tin http://elc.ehou.edu.vn
profile – Trang thông tin cá nhân
– Kết quả học tập cập nhật ngay trên hệ thống

Môi trường học tập trực tuyến được xây dựng trên hạ tầng công nghệ đào tạo e-learning đảm bảo đầy đủ các yêu cầu do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (theo Thông tư 12/2016 /TT-BGDĐ T ngày 22/4/2016).

Quản lý sinh viên:

 –    Lớp quản lý: Hình thành từ đầu khoá học cho đến cuối khoá học dưới sự quản lý của Cố vấn học tập/Chủ nhiệm lớp. Mục đích của lớp quản lý là để duy trì những sinh hoạt đoàn thể, lao động, xét kết quả rèn luyện, xét kết quả rèn luyện, phổ biến những thông tin của nhà trường đến sinh viên.

–    Nhóm: Các lớp quản lý được chia thành các nhóm. Mục đích để các thành viên trong nhóm hỗ trợ nhau trong việc học tập, duy trì các hoạt động đoàn thể, xét khen thưởng trong nhóm làm căn cứ xét khen thưởng toàn lớp, hỗ trợ nhau trong việc hoàn thành bài tập nhóm.

–    Lớp môn học: Những sinh viên theo học cùng một học phần trong cùng một học phần/môn học trong cùng một khoảng thời gian, cùng một giảng viên. Lớp học có thể thay đổi trong quá trình học, phụ thuộc vào đặc thù, yêu cầu của từng môn học.

Cung cấp và hỗ trợ thông tin

Từ khi đăng ký đến khi vào học, sinh viên được cung cấp, tư vấn và hỗ trợ đầy đủ thông tin liên quan đến việc học tập.

Sinh viên được thông báo đầy đủ, kịp thời các thông tin về lớp học, nhiệm vụ học tập, về kế hoạch, lịch học tập và thi hết môn, các thông báo… Sinh viên được giải đáp các thắc mắc trong vòng 72 giờ về kiến thức chuyên môn, thủ tục giáo vụ và vấn đề kỹ thuật. Sinh viên được cung cấp các công cụ để trao đổi và học tập như diễn đàn thảo luận môn học, thư điện tử.

Hỗ trợ kỹ thuật

Trước khi bắt đầu học các môn học trong chương trình, sinh viên được hướng dẫn:

–   Cách đăng nhập và học tập trên công nghệ eLearning (hướng dẫn trực tiếp trên lớp);

–   Chuẩn bị phương tiện học tập (máy vi tính, đường truyền, thiết bị…);

–   Cách học tập hiệu quả.

Giải quyết các thủ tục hành chính

Sinh viên đăng ký kế hoạch học tập vào đầu khoá học và trước mỗi kỳ học, nộp cho Cố vấn học tập/Chủ nhiệm lớp.

Sinh viên được giải quyết các thủ tục hành chính: chuyển lớp, chuyển ngành học, chuyển địa điểm học, đăng ký xét miễn học phần, xác nhận sinh viên, bảo lưu kết quả học tập, tiếp tục theo học, hoãn thi, đăng ký thi lại, đăng ký ngành học thứ hai, chuyển đổi phương thức học tập, đăng ký địa điểm thi kết thúc học phần … (theo mẫu đơn của Trung tâm) sau 01 tuần đăng ký.

Chuyển đổi phương thức học tập

Sinh viên đang theo học phương thức eLearning nếu có nhu cầu và nguyện vọng được tạo điều kiện đăng ký chuyển đổi phương thức đào tạo từ xa truyền thống.

Đồng thời, Trung tâm cũng tiếp nhận các sinh viên chuyển đổi phương thức  học tập từ xa truyền thống sang phương thức eLearning.

Thủ tục: Sinh viên làm đơn xin chuyển đổi phương thức học tập theo hướng dẫn, có xác nhận của nơi đang học, kèm theo bảng điểm xác nhận các môn đã học và quyết định đầu vào. 


Dịch ngôn ngữ (Translate) »