Trung tâm Đào tạo Trực tuyến - Trường Đại học Mở Hà Nội > None > Viện Đại học Mở với loại hình đào tạo Từ xa

Viện Đại học Mở với loại hình đào tạo Từ xa

Đăng bởi EHOU ngày 07/06/2014

         

Trong công cuộc đổi mới nền kinh tế và tiếp đó là tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vấn đề nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực có ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều đó có nghĩa là cần mở cơ hội học tập, tạo điều kiện rộng rãi cho mọi người dân được tiếp cận với cơ hội giáo dục – đào tạo tuỳ theo nhu cầu và khả năng của mỗi người. Trong bối cảnh đó, Đại học Mở Hà Nội là cơ sở đầu tiên ở nước ta được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu với loại hình đào tạo từ xa.

Đào tạo từ xa là phương thức đào tạo mới, hiện đại. Phương thức này hiện nay được áp dụng tại nhiều nước và ngày càng phát triển nhờ có những thành tựu mới của kỹ thuật nghe nhìn, công nghệ viễn thông và công nghệ thông tin.

Khác với các phương thức giáo dục truyền thống "mặt đối mặt", yêu cầu phải có lớp học, giảng đường với những quy định chặt chẽ về số học sinh trên lớp, về tỷ lệ giáo viên trên sinh viên… "Giáo dục từ xa là một quá trình giáo dục, trong đó phần lớn có sự gián cách giữa người dạy và người học về mặt không gian và thời gian. Người học theo hình thức GDTXa chủ yếu tự học qua học liệu như giáo trình, băng hình, băng tiếng, đĩa CD-ROM, phần mềm vi tính, bằng việc sử dụng các phương tiện nghe-nhìn cá nhân, phát thanh, truyền hình, các tổ hợp truyền thông đa phương tiện, mạng Internet dưới sự tổ chức, trợ giúp của Nhà trường" (Điều 1, Quy chế của Bộ GD&ĐT, ban hành theo Quyết định số 40/2003QĐ-BGD&ĐT, ngày 8/8/2003)… đồng thời kết hợp với sự hướng dẫn định kỳ của giảng viên tại các cơ sở vệ tinh của Viện đặt tại các địa phương.

Bởi vậy, xét về phương diện kinh tế thì đây là phương thức giáo dục ít tốn kém nhất cho người học. Chính vì vậy, số người theo học loại hình đào tạo từ xa của Viện ngày càng tăng: 

             – Từ tháng 4-1995, Viện Đại học Mở Hà Nội phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức khai giảng khoá đầu tiên đào tạo cử nhân Quản trị kinh doanh theo phương thức giáo dục từ xa qua sóng phát thanh đã thu hút 4.600 người theo học.

             – Đến năm 1997, số người học đại học từ xa là 15.000 người. Năm 2007 có 32.000 người và năm 2012 có 40.000 người, trong đó có gần 8000 người học theo phương thức trực tuyến E-learning.

 

Mạng lưới đào tạo từ xa

Để thực hiện loại hình đào tạo từ xa, Viện Đại học Mở Hà Nội có liên kết, hợp tác với trên 45 cơ sở đào tạo tại địa phương.

 

Quan hệ quốc tế trong lĩnh vực ĐTTX

Viện Đại học Mở Hà Nội là thành viên chính thức của Hiệp hội các Trường Đại học Mở và Từ xa khu vực châu Á (AAOU) và Hiệp hội Giáo dục Mở thế giới gồm 62 trường đại học Mở và Từ xa khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Viện cũng là một trong 11 thành viên của Ban điều hành Hiệp hội. Viện Đại học Mở Hà Nội đã tham dự đều đặn các Hội nghị hàng năm của Hiệu trưởng các Trường Đại học Mở trong khu vực và tham gia nhiều báo cáo khoa học tại Hội nghị quốc tế về Giáo dục mở và Từ xa. Viện thường xuyên cử các đoàn cán bộ đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm với nhiều trường Đại học Mở thuộc các nước trong khu vực và trên thế giới như: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Anh, Canada,…

Viện Đại học Mở Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử làm đại diện của Việt Nam tham gia là thành viên của Hội đồng Quản trị SEAMOLEC (Trung tâm Đào tạo Mở và Từ xa khu vực thuộc tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á). Trong những năm qua, Viện Đại học Mở Hà Nội đã phối hợp với SEAMOLEC tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thảo, tập huấn,… với sự tham gia của các giáo sư, chuyên gia về lĩnh vực đào tạo từ xa của nhiều nước, phần lớn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương; các chuyên gia và cán bộ làm công tác đào tạo từ xa của một số trường đại học, các trung tâm liên kết đào tạo với Viện trong cả nước. Nội dung của các hội nghị, hội thảo xoay quanh các vấn đề của giáo dục từ xa như: chính sách và công nghệ cho đào tạo từ xa, biên soạn giáo trình học liệu cho đào tạo từ xa, các nghiên cứu trong lĩnh vực đào tạo từ xa, e-learning… Viện cũng đã phối hợp với SEAMOLEC tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác giáo dục từ xa một số trường đại học trong nước và một số nước như Lào, Campuchia về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo từ xa, biên soạn tài liệu giáo dục từ xa…

Ngoài ra, Viện có quan hệ mật thiết với Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam VTV2. Cho đến nay, Viện đã phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam phát liên tục hơn 10.000 chương trình (mỗi ngày 2 buổi), Đài Truyền hình Trung ương VTV2 phát 2.600 buổi các môn học ngành Quản trị Kinh doanh, Tiếng Anh, các chương trình phổ biến khoa học, Khuyến nông, Làng nghề truyền thống, Tin học.

 

Chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục từ xa

Nghị quyết Hội nghị lần thứ II của BCH Trung ương ĐCSVN Khoá VIII chỉ rõ: "Đa dạng hoá các loại hình giáo dục-đào tạo, tạo cơ hội cho mọi người có thể lựa chọn cách học phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của mình"… "Mở rộng các hình thức đào tạo không tập trung, đào tạo từ xa, từng bước hiện đại hoá hình thức giáo dục…"

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX chỉ rõ: "Xây dựng qui hoạch đào tạo nhân lực theo phương thức kết hợp học tập trung, học từ xa, học qua máy tính"; "Đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính qui và không chính qui, thực hiện giáo dục cho mọi người"; "Từng bước xúc tiến việc nối mạng Internet ở trường học, tạo điều kiện học tập, nghiên cứu trên mạng".

Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị nêu rõ: "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục và đào tạo ở các cấp học, bậc học, ngành học. Phát triển các hình thức đào tạo từ xa phục vụ cho nhu cầu học tập của toàn xã hội".

Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010 ban hành theo Quyết định 201/2001/QĐ -TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: "Tăng cường cho hai Đại học Mở về phương tiện, thiết bị, tài liệu để mở rộng hình thức giáo dục từ xa".

Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính phủ ngày 02/11/2005 về Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 nêu: "Củng cố các Đại học Mở để có thể mở rộng qui mô,…". Đề án đổi mới giáo dục đại học đã đề ra mục tiêu đến năm 2020: 4,5% dân số học đại học (4,5 triệu người), trong đó 40% học chính quy, 40% học từ xa, 20% học trực tuyến.

 

Định hướng phát triển đào tạo trực tuyến (E-Learning) của Viện Đại học Mở Hà Nội

Trong thế kỷ 21, ứng dụng E-learning vào đào tạo đã và đang trở thành xu thế phát triển của thế giới nhất là đối với cộng đồng giáo dục mở và từ xa. Phương pháp học tập dựa trên công nghệ ICT đang làm thay đổi ngành giáo dục thế giới từ công tác quản lý đào tạo đến công tác tuyển sinh, từ xây dựng bài giảng đến tương tác giảng viên học viên… Đề án đổi mới giáo dục đại học đã đề ra mục tiêu đến năm 2020: 4,5% dân số học đại học (4,5 triệu người), trong đó 40% học chính quy, 40% học từ xa, 20% học trực tuyến.

Cho đến nay, hình thức đào tạo từ xa truyền thống đã được đông đảo học viên trên khắp mọi miền đất nước công nhận và tham gia học tập. Trong những năm qua, Viện Đại học Mở Hà Nội đã xác định cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong lĩnh vực ĐTTXa, góp phần tạo ra các bước đổi mới mạnh mẽ về công nghệ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin và phát triển các sản phẩm ICT có hàm lượng trí tuệ cao phục vụ hiệu quả cho hệ thống GDTXa nhằm phát triển quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Trong khi đó, E-learning mặc dù là hình thức học tập hiện đại, vẫn còn xa lạ với nhiều người. Là cơ sở giáo dục đại học có nhiệm vụ chính là phát triển hình thức giáo dục từ xa để mang lại cơ hội học tập cho mọi người. Viện Đại học Mở Hà Nội xác định được tầm quan trọng trong ứng dụng công nghệ E-leanring vào công tác đào tạo. Năm 2009, Viện đã bắt đầu triển khai thực hiện phương thức đào tạo này và đã thu hút được ngày càng tăng số lượng người học đăng ký tham gia.

Là một trong những trường đại học hàng đầu tại Việt Nam về đào tạo từ xa, và cũng từ nhiều năm là thành viên chính thức của hiệp hội các trường đại học mở Châu Á (AAOU), Viện Đại học Mở Hà Nội đã thực hiện nhiều nghiên cứu về công nghệ và các xu hướng phát triển đào tạo trong nước và quốc tế. Viện xác định rằng E-Learning chính là giải pháp quan trọng nhất để đa dạng hóa phương thức đào tạo, thay đổi cơ bản trong cách dạy và học, mở rộng quy mô, đảm bảo chất lượng, đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế trong giai đoạn 2010-2020.

Trong những năm tới, Viện Đại học Mở Hà Nội tiếp tục mở rộng qui mô đào tạo, ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Mở rộng quy mô trong khi vẫn phải đảm bảo các chuẩn mực về chất lượng đào tạo, là một trong những mục tiêu quan trọng của Viện Đại học Mở Hà Nội. Viện tiếp tục nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các thế hệ công nghệ mới phù hợp với điều kiện ở Việt Nam; không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy để đáp ứng tối đa người học có điều kiện tham gia học tập, tiếp cận với tri thức, với công nghệ hiện đại.

Bên cạnh giáo dục đại học, trong khuôn khổ thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập, đào tạo bằng công nghệ E-learning của Viện sẽ phát huy tối đa tính mở, tính mềm dẻo trong mô hình đào tạo hiện có, tạo điều kiện tốt hơn cho mọi tầng lớp nhân dân được học tập thường xuyên, học suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.


Dịch ngôn ngữ (Translate) »