Ngày 30/9, Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức Vòng bán kết cuộc thi “HOU.SV.STARTUP-2023” với sự tham gia tranh tài của 24 đội đến từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã mang đến những ý tưởng hay và những phần trình bày thuyết phục.
Đến tham dự Vòng bán kết, về phía Trường Đại học Mở Hà Nội có TS Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi; ThS Lương Tuấn Long – Trưởng phòng Công tác chính trị và sinh viên, Phó trưởng Ban tổ chức cuộc thi, Trưởng ban giám khảo cùng đại diện Lãnh đạo các đơn vị và Hội đồng giám khảo.
TS Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban tổ chức phát biểu khai mạc, động viên tinh thần các nhóm dự án
Phát biểu tại chương trình, TS Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng, Trưởng ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao và gửi lời cảm ơn các trường đại học trên địa bàn thủ đô đã hưởng ứng tổ chức tuyển chọn các dự án có chất lượng để tham gia cuộc thi. Đồng thời cho biết: Cuộc thi sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp được Nhà trường tổ chức thường niên nhằm tạo ra sân chơi học thuật bổ ích, qua đó thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong cuộc sống cũng như trong học tập, nghiên cứu khoa học của sinh viên, đồng thời trang bị kiến thức, kỹ năng, có hội học tập làm chủ cho sinh viên và xây dựng các nhóm sáng tạo, khởi nghiệp cũng như kết nối doanh nghiệp với sinh viên, tạo cơ hội cho các dự án tiềm năng gặp gỡ, tiếp cận các nhà đầu tư.
Sinh viên các trường đại học đến cổ vũ
“Từ cuộc thi này, các năm qua, Trường Đại học Mở Hà Nội đã ươm tạo nhiều dự án cơ hội trải nghiệm các cuộc thi và nhận được nhiều kết quả tích cực. Chúc các em sẽ tiếp tục nuôi dưỡng đam mê của mình, đầu tư tâm sức, trí lực để hoàn thiện các dự án theo gợi ý của Ban giám khảo, chuyên gia và các nhà đầu tư. Tin tưởng rằng, các em sẽ từng bước hoàn thiện bản thân, dám nghĩ dám làm, mang các sản phẩm, ý tưởng khởi nghiệp đến với cộng đồng và xã hội”, TS Nguyễn Minh Phương nhắn nhủ.
Hình ảnh các nhóm trình bày ý tưởng dự án tại Vòng bán kết
Vòng bán kết được chia thành 2 bảng thi với 24 đội được chia theo 4 lĩnh vực: Công nghiệp, Công nghệ (13 dự án); Kinh tế, Xã hội (11 dự án). Các đội thi thực hiện trưng bày sản phẩm và thuyết trình sản phẩm, dự án cũng như trả lời, phản biện các thông tin đến Ban giám khảo.
Hình ảnh Ban giám khảo tập trung nghiên cứu, đánh giá ý tưởng của các nhóm dự án
Trên cơ sở các tiêu chí theo thể lệ cuộc thi như: Sự cần thiết của sản phẩm, dịch vụ đối với nhu cầu thị trường; Tính khả thi trong việc sản xuất, kinh doanh; Tính độc đáo, sáng tạo, giá trị khác biệt của sản phẩm; Kết quả tiềm năng của dự án; Kế hoạch truyền thông; Khả năng thuyết trình, trình bày dự án…các ý tưởng đều được Hội đồng Ban giám khảo đánh giá cao, thể hiện tính sáng tạo và có giá trị khoa học, đảm bảo yêu cầu, đúng quy định và có tính ứng dụng trong thực tiễn, đặc biệt có nhiều điểm mới so với những sản phẩm hữu hiệu.
Hình ảnh các đại biểu chụp hình lưu niệm tại chương trình
Sau thời gian tranh tài, Ban giám khảo đã chọn ra 10 đội thi bước vào Vòng chung kết để tiếp tục được Trường Đại học Mở Hà Nội hỗ trợ kết nối với các mentor, doanh nghiệp cũng như tham gia tập huấn, xây dựng dự án hoàn chỉnh gồm: BIOLIFE – Vật liệu trong ngành thời trang, đồ chơi trẻ nhỏ; Bộ sản phẩm mỹ phẩm organic từ tinh dầu bưởi có khả năng trị và ngăn ngừa mụn lưng, di ứng thời tiết – PANACEA; CARPETS; Dự án: German For U – Nơi tạo dựng ước mơ của bạn; Lăng kính lịch sử; Ngôi nhà Khởi Nghiệp – StartupDorms; Phần mềm liên kết công việc tiếng Trung CZHAO; Sản xuất và kinh doanh phân bón HCr; Thiết bị bù độ ẩm tự động trong phòng sử dụng nước thải điều hòa; Xây dựng hệ thống giám sát, điều khiển thiết bị điện và bảo vệ an ninh trong trường học và doanh nghiệp.
Nguồn: tuyensinh.ehou.edu.vn