Trung tâm Đào tạo Trực tuyến - Trường Đại học Mở Hà Nội > Tin tức - Bài viết > Bài viết > Hiểu về cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC để hội nhập

Hiểu về cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC để hội nhập

Đăng bởi EHOU ngày 30/08/2017

 

Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC là cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp cũng như người lao động trong tiến trình hội nhập. Vậy các doanh nghiệp, cần làm gì để có thể khai thác thị trường chung gồm khoảng 600 triệu người tiêu dùng với GDP 3.000 tỷ và người lao động có tay nghề sẽ được tự do lưu chuyển trong ASEAN mà không chịu bất cứ rào cản hay sự phân biệt đối xử nào giữa các thành viên.

 

Để giúp các sinh viên EHOU hiểu rõ hơn, nắm được các cơ hội và vượt qua thách thức để phát triển, ngày 27/08/2017 ThS. Kiều Mạnh Toàn – Giám đốc kinh doanh, Công ty Mircrosoft Việt Nam đã tham gia giao lưu chuyên đề tháng 8 tại TP. Hồ Chí Minh với chủ đề: “Những cơ hội và thách thức đối với người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC”.

 

 

Tại buổi giao lưu chuyên đề này, ThS. Kiều Mạnh Toàn dẫn dắt sinh viên tìm hiểu về cộng đồng ASEAN, tìm hiểu về vị trí của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN. Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp các nước ASEAN nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng thông qua việc mở ra một thị trường rộng lớn, bình đẳng cho các doanh nghiệp. Một khu vực thị trường chung rộng lớn: Với gần 100% hàng hóa được tự do lưu chuyển trong nội khối, AEC tạo ra một khu vực thị trường hàng hóa chung giữa các nước ASEAN, mở ra cơ hội làm ăn kinh doanh lớn cho các DN trong khu vực.

 

Thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: môi trường kinh doanh được mở rộng theo hướng minh bạch và bình đẳng hơn sẽ là điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài, không những từ các nước ASEAN mà cả từ các nước ngoài khối, đặc biệt là các nước đối tác thương mại của ASEAN vào Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị khu vực.

 

Tạo ra sức ép, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam: tham gia vào một sân chơi chung và chịu áp lực cạnh tranh từ các đối tác khu vực cả về trình độ quản lý, công nghệ và nhân lực, sẽ buộc các DN Việt Nam phải tự cải tổ, thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tồn tại và phát triển.

 

Về nhân lực không chỉ nói đến đội ngũ quản lý, mà còn là người lao động nói chung. Lao động Việt Nam đa phần còn yếu về trình độ tay nghề, kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ, trong khi đây lại là những yêu cầu quan trọng khi Việt Nam gia nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN. Năng suất lao động thấp cũng chính là một trong những thách thức lớn của Việt Nam khi hội nhập ngày càng sâu rộng.

 

ThS Kiều Mạnh Toàn cũng có lời khuyên đưa ra cho các sinh viên, đó là: Hãy tự trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết, có khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi sẽ được các doanh nghiệp trọng dụng.

 

Chị Bùi Ngọc Lê – lớp BML37, hiện đang là chủ một doanh nghiệp về Công nghệ thông tin chia sẻ chị gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nhân sự, với trình độ của người lao động tại Việt Nam chưa thật sự đáp ứng được cho các dự án. Theo chị các sinh viên nên tích cực tham gia các buổi học chuyên đề là rất cần thiết để bổ sung, cập nhật các kiến thức thực tiễn. Được tham gia buổi giao lưu này, có cơ hội giao lưu cùng với diễn giả Kiều Mạnh Toàn chị lại học thêm được một bài học hay để giúp doanh nghiệp của chị phát triển. Cảm ơn trung tâm Đào tạo E-Learning – Viện Đại học Mở đã tạo một sân chơi học tập đầy bổ ích.  

Bùi Nga

 


Dịch ngôn ngữ (Translate) »